Tin tức & sự kiện

Tin tức & sự kiện
Đồ thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc: Tinh hoa hội tụ
Nền văn hóa cổ truyền Phương Đông vốn vinh danh Trung Quốc, Nhật Bản như những kẻ khổng lồ vĩ đại về đồ thủ công mỹ nghệ. Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua đất nước Hàn Quốc.
Truyền thống ngàn đời
Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo là một phần quan trọng trong kho tàng văn hóa truyền thống đồ sộ của Hàn Quốc. Những món đồ ấy không chỉ thể hiện đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân mà còn cho thấy tâm hồn, tính cách và ước mơ của những người dân Hàn Quốc. Ngày nay, truyền thống về chế tác đồ thủ công mỹ nghệ vẫn được bảo truyền và phát triển rất tốt ở xứ sở nhân sâm này. Chẳng vậy mà rất nhiều người nước ngoài, từ Đức cho tới Nhật Bản, đã đặt chân đến mảnh đất này để tìm hiểu về “vương quốc của đồ thủ công mỹ nghệ”.
Chất liệu của đồ thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc rất gần gũi với đời sống thường ngày: gốm sứ, vải vóc, giấy, kim loại và dĩ nhiên, gỗ. Mang đậm phong vị phương Đông, những món đồ thủ công của Hàn Quốc có thể dễ dàng tìm thấy điểm tương đồng với đồ thủ công của Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Đó là sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, cẩn thận trong từng đường nét, mỗi đường cong, hình ảnh, nếp gấp đều ánh lên sự sắc sảo, tinh tế không dễ gì có được. Nhưng trên hết, người ta vẫn nhận ra được nét riêng, một bản sắc riêng của đồ thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc. Đó là vẻ đẹp gần gũi với thiên nhiên. Điều này đã được chứng tỏ qua truyền thống văn hóa lâu đời với mối quan hệ gần gũi với thiên nhiên của Hàn Quốc.
Triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc lần thứ nhất diễn ra từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 4 tháng 12 vừa qua đã giới thiệu 60 mẫu thủ công mỹ nghệ của 21 nghệ nhân đến từ Hàn Quốc. Nhiều sản phẩm trong số đó được chế tác từ gỗ. Trong một không gian trưng bày ấm áp và nhỏ nhắn tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, người xem được tận mắt quan sát và chiêm ngưỡng những gì đặc sắc nhất của một nền văn hóa mỹ nghệ lâu đời. Những nghệ nhân Hàn Quốc đã mang đến những sản phẩm với nhiều chủ đề khác nhau: từ những sản phẩm phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sinh hoạt của đời sống như quần áo, chén cốc, những sản phẩm mang tính nghệ thuật như tranh gỗ, trang sức cho đến những sản phẩm tạo hình mang tính trượng trưng như tác phẩm “Quả táo” hay “Nước biển”. Tất cả những sản phẩm này đã cho thấy sự phong phú, đa dạng và vô cùng độc đáo của ngành thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc.
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Kể từ khi người Hàn bắt đầu biết chế tác các sản phẩm từ gỗ tự nhiên, thời hưng thịnh của đồ gỗ đã bắt đầu phát triển. Cấu trúc sang trọng, đơn khối của những ngôi nhà gỗ cùng với sàn nhà giữ nhiệt là khởi nguồn cho sự phát triển đa dạng của ngành chế tác đồ thủ công mỹ nghệ từ gỗ của Hàn Quốc. Ban đầu chỉ là sử dụng để chế tác cán búa, rìu, cho đến làm những vật dụng để chôn cất, đồ gỗ mỹ nghệ Hàn Quốc đã đạt đến đỉnh cao vào thời đại Koryo, khi người ta đã sử dụng những chiếc vỏ bào ngư đầy màu sắc để chạm khảm lên những món đồ gỗ sơn mài, đặc biệt việc chạm khảm thường được chuộng nhất trên những chiếc hộp chứa kinh Phật hoặc những chiếc vòng Phật. Nghệ thuật này đã đạt đến đỉnh cao khi những sản phẩm này xuất sang và được vua chúa Trung Hoa ưa dùng. Sau này, kỹ thuật chế tác chạm khảm còn được phát triển với các vật liệu như mai rùa màu hay sừng bò. Dễ dàng nhận thấy, trong Triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ lần thứ nhất này, xuất hiện khá nhiều tác phẩm ảnh hưởng mạnh mẽ từ thời kì đỉnh cao Koryo. Tác phẩm hộp gương của nghệ nhân Kwan Ju An được làm từ sơn mài với hoa văn chạm khảm tinh tế bằng ngọc trai, được pha trộn khéo léo đầy màu sắc khiến cho chúng trở nên rực rỡ, sống động.
Không chỉ có những đại diện tiêu biểu của kỹ thuật chạm khảm tinh xảo, triển lãm lần này còn mang tới cho người xem những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gỗ đặc trưng cho thời kỳ Choson. Đặc trưng của đồ gỗ thời kỳ này là sự hấp dẫn của thiết kế mang nặng tính hình học. Với vẻ đẹp đơn giản, sản phẩm của thời kỳ này mang đặc trưng theo hình dáng của gỗ. Điều đó được vun đắp bởi quan niệm và ý thức thẩm mỹ độc đáo: tư duy Nho giáo hướng về thiên nhiên, bởi vậy mà đồ thủ công mỹ nghệ làm từ gỗ trong thời kỳ Choson được đánh giá rất cao không chỉ ở trong Hàn Quốc. Đồ thủ công mỹ nghệ từ gỗ trong thời kỳ này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Nho giáo, thứ đạo giáo duy trì sự phân biệt khắc nghiệt giữa nam giới và nữ giới, tôn trọng sự khiêm nhường, lối sống tiết kiệm và thanh tao. Bởi vậy, đồ gỗ nói chung và đồ thủ công mỹ nghệ gỗ nói riêng thời kỳ này phần lớn được sản xuất và chế tác dựa theo địa vị xã hội, bởi vậy mà hình thành từng phong cách cụ thể khác nhau.
Điều đặc biệt nhất mà người xem có thể cảm nhận thấy ở cuộc Triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ lần này đó là tinh thần hướng tới thiên nhiên. Những màu sắc tràn đầy sinh lực, những dáng vẻ thô ráp, những họa tiết sông núi… ngập tràn trong các sản phẩm ở bất kỳ chất liệu nào, mẫu mã nào. Và đặc biệt, người xem nhận thấy cái thần thái thiên nhiên rõ ràng nhất thông qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ gỗ. Từ những bức tranh, kê chén gỗ với các chủ đề như hoa sen, hoa cúc gợi người xem liên tưởng đến một chỉnh thế thống nhất, thiên nhiên bên trong thiên nhiên. Những chiếc quạt giấy cách điệu với bức vẽ về hoa và bướm cho đến tác phẩm nghệ thuật tạo hình từ gỗ mang tên “nước biển”. Rõ ràng, người xem được đi từ cảm xúc này tới cảm xúc khác. Từ những tác phẩm gợi lên vẻ đẹp thiên nhiên hữu hình, trong sáng cho đến những tạo hình trừu tượng kích thích mọi giác quan của người xem. Đó là điều đặc biệt nhất của những tác phẩm thủ công mỹ nghệ của Hàn Quốc mà không ở đâu có được. Không phải là sự cầu kỳ, không phải là sự phá cách, diêm dúa… mà đơn giản, đó là. một vẻ đẹp luôn hướng tới thiên nhiên thuần chất.
50 năm sau ngày độc lập, thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc đã có những bước đi đáng kể. Trường Đại học Thủ công mỹ nghệ đầu tiên được thành lập vào những năm 1950. Giờ đây, thủ công mỹ nghệ trở thành một bộ môn khoa học – nhân văn, mang lại nhiều xu hướng mới mẻ chẳng hạn như việc kết hợp đồ thủ công mỹ nghệ Hàn Quốc với thẩm mỹ phương Tây và sự nhạy cảm của người Nhật. Triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ lần thứ nhất này tuy chưa mang lại một cái nhìn quy mô và toàn diện cho người xem về một nền văn hóa thủ công mỹ nghệ lưu truyền cả ngàn đời của Hàn Quốc nhưng cũng giúp người ta hiểu rằng, Hàn Quốc không chỉ có kim chi, không chỉ có hanbok, không chỉ có nhân sâm mà còn có cả những tinh hoa đất trời – lòng người gửi gắm trong những di sản tinh túy.
NGUỒN: TẠP CHÍ GỖ VIỆT SỐ 22 THÁNG 12/2010
Các tin khác:
- Quy trình sản xuất pallet gỗ tại Hiếu Thuận (15/07/2014)
- Khử trùng gỗ theo ISPM 15 (21/06/2012)
- Dân công sở ăn cơm lề đường, mặc đồ “tái chế” (21/06/2012)
- Đưa lãi suất về 9- NHNN mới chỉ giải 1/2 bài toán (21/06/2012)
- Đề nghị xóa bỏ sự bù chéo trong giá điện (21/06/2012)
- Ưu điểm của Pallet gỗ (21/06/2012)
- Đã đến lúc... bán rẻ các công ty nhà nước? (01/06/2012)
- Doanh nghiệp hãy bứt phá lên “mây” (03/11/2011)